Trẻ sơ sinh bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho – Khi nào đáng lo và xử trí sao cho đúng?
Vì sao trẻ trên 6 tháng tuổi dễ bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho?
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong môi trường sống, các tác nhân gây bệnh hô hấp tồn tại rất nhiều trong không khí, có thể dễ dàng lây lan. Trẻ dưới 6 tháng còn kháng thể của mẹ truyền sang. Các bé cũng thường được bao bọc trong gia đình, ít ra môi trường bên ngoài, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nên khả năng nhiễm bệnh thấp.
Khi lớn dần, lượng kháng thể của mẹ truyền cho đã hết, trẻ lại phải tiếp xúc dần với môi trường bên ngoài nhiều hơn, nên khả năng mắc các bệnh hô hấp cũng có thể tăng. Không những thế, theo cấu tạo cơ thể, trẻ nhỏ có kích thước mũi bé, các em lại chủ yếu thở bằng mũi nên khi gặp điều kiện bất lợi rất dễ bị nghẹt mũi, sổ mũi. Trong trường hợp này, nếu trẻ không được vệ sinh đúng cách, dịch mũi kèm vi khuẩn chảy xuống họng, có thể kích thích niêm mạc họng gây ho, viêm họng…
Khi lớn hẳn, nhờ những lần mắc bệnh lúc nhỏ và sau các lần được tiêm vắc xin, trẻ lại có lượng kháng thể lớn, nên ít bệnh dần. Như vậy, khoảng thời gian từ 6 tháng tới một tuổi là giai đoạn trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp nhất.
Các trường hợp cần đưa trẻ đi khám:
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ khi:
– Trẻ có biểu hiệu của biến chứng do vi khuẩn: viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
– Khi bé không có các biểu hiện trên nhưng cha mẹ vẫn thấy lo lắng vì con có các dấu hiệu:
- Sốt cao (trên 39,5 độ C kéo dài hơn 3 ngày, hoặc trên 38,3 độ C trong hơn 5 ngày).
- Bé lừ đừ, quấy khóc bất thường, bỏ ăn…
- Bé có tiền sử tái phát liên tục
- Bé thể hiện bị đau tai
- Trẻ thở nhanh bất thường hoặc khó thở, có tiếng rít vào khi hít thở.
Giảm sổ mũi, nghẹt mũi, ho cho trẻ nhỏ thế nào?
Theo chuyên gia nhi khoa Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), khi trẻ chớm bệnh đường hô hấp với các triệu chứng đầu tiên như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, húng hắng ho, bố mẹ có thể xử trí cho con tại nhà bằng một số biện pháp như:
Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý:
Nếu trẻ ngạt mũi, ngâm lọ nước muối sinh lý trong nước ấm, nhỏ lần lượt từng bên cho trẻ để thông mũi. Nên bế trẻ hoặc cho con nằm nghiêng ở tư thế đầu cao một chút để dễ thở.
Nếu bé bị sổ mũi, sau khi nhỏ nước muối sinh lý ấm cho trẻ, dùng “bấc sâu kèn” thấm hết nước mũi. Cách làm bấc sâu kèn: Dùng 1-2 tờ giấy ăn tốt (mềm và dai), cuộn tròn, thuôn dài thành hình như chiếc bấc. Đặt nhẹ vào từng lỗ mũi bé để thấm dịch.
Tăng cường cho trẻ bú mẹ hoặc uống thêm nước ấm
Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng với trẻ 6-12 tháng. Cho bé bú mẹ nhiều để con được cung cấp các dưỡng chất, lượng kháng thể cần thiết, đồng thời giúp làm loãng các chất nhầy trong họng để dễ dàng nuốt hoặc tống ra ngoài.
Có thể cho con uống thêm nước ấm để làm ấm và ẩm họng, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa các virus đường hô hấp.
Giữ ấm vừa đủ cho trẻ, đảm bảo không gian sống trong lành
Vào các thời điểm chuyển mùa, trẻ dễ bị ho, sổ mũi, nghẹt mũi hơn do cơ thể non nớt chưa kịp thích ứng với điều kiện thời tiết bên ngoài. Vì thế, cha mẹ cần chú ý cho con được sinh hoạt trong môi trường trong lành, ổn định nhất có thể:
- Cho bé mặc đủ ấm nhưng không bị nóng, tránh nơi hướng gió lùa thẳng vào mặt.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Sử dụng tinh dầu tràm khuynh diệp để xông, xịt phòng giúp khử khuẩn, hỗ trợ diệt virus, tạo hương thơm thư giãn, hỗ trợ thông mũi.
- Để bé tránh xa khói bụi, khói thuốc…
Cho trẻ uống Siro ho cảm thảo dược
Theo các chuyên gia nhi khoa, đa số các trường hợp trẻ ho, sổ mũi… là do virus, chỉ cần uống Siro ho cảm thảo dược để giảm các triệu chứng một cách an toàn, giúp trẻ dễ chịu hơn. Tránh tùy tiện sử dụng kháng sinh cho trẻ ngay vì không chỉ không hiệu quả, mà còn có thể gây các tác dụng phụ, tăng nguy cơ kháng kháng sinh cho trẻ. Nên lựa chọn Siro ho cảm của các công ty dược uy tín, với thành phần từ những dược liệu sạch và có tác dụng giải cảm, giảm sổ mũi, giảm ho…
Phòng tránh ho, sổ mũi, nghẹt mũi cho trẻ nhỏ thế nào?
Ho và cảm là vấn đề rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây cũng chính là các biểu hiện của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Kháng thể này được tích lũy dần, giúp trẻ phòng bệnh cho những lần sau. Tuy nhiên, nếu tần suất ho, sổ mũi quá dày có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe tổng thể của trẻ, vì thế, phụ huynh cần áp dụng một số biện pháp giúp con phòng tránh các vấn đề này:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc đột ngột với điều kiện môi trường thay đổi, đặc biệt là những thời điểm giao mùa.
- Cho trẻ có chế độ ăn cân bằng, phù hợp với độ tuổi. Đảm bảo cho trẻ được bú mẹ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc.
- Vệ sinh bàn tay cho trẻ và người chăm sóc. Thường xuyên làm sạch đồ chơi cho trẻ.
- Cho con tiêm vắc xin ngừa bệnh đầy đủ, đúng lịch.
- Hạn chế cho trẻ ở trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.